Chuyên gia BĐS dự báo có thể mua được bất động sản giá tốt trong vài tháng tới
Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid lần thứ 4 diễn biến phức tạp khác hẳn 3 lần trước, nhiều câu hỏi đặt ra bất động sản liệu có tiếp như quả bóng đang bị nén hay sẽ giảm giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Sau hơn một năm đại dịch Covid-19 "càn quét" nền kinh tế, thị trường BĐS liên tục trồi sụt sau mỗi làn sóng dịch bệnh. Trong bối cảnh đợt bùng phát dịch thứ 4, bên cạnh một số nhà đầu tư đã kịp "rút chân" và chốt lời còn không ít nhà đầu tư bị mắc cạn và "gồng lỗ" chờ ngày "sóng" nhà đất nổi lên để thoát hàng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng mới đang khiến thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn. Làn sóng Covid-19 lần này kéo dài hơn so dự đoán, phức tạp, nghiêm trọng hơn so với những lần trước. 3 giai đoạn bùng phát Covid-19 trước đó đều chung đặc điểm là thời gian bùng dịch ngắn, tốc độ lây lan chậm. Ngay sau khi dịch kiểm soát, thị trường bất động sản ghi nhận hoạt động giao dịch rất sôi động. Tuy nhiên trong lần tái phát dịch bệnh thứ 4, số lượng ca nhiễm tăng lên đáng kể và lan rộng.
Dịch bệnh nghiêm trọng đã khiến hàng chục tỉnh thành trên cả nước đã phải áp dụng chỉ thị 16, khiến giao dịch trên thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề, các hoạt động bán hàng của chủ đầu tư đều bị dừng. Trong bối cảnh đó, tâm lý nhà đầu tư cũng đang bị bị ảnh hưởng. Kịch bản của thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ không thể lạc quan như dự báo trước đó.
Đánh giá về diễn biến trong thời gian tới, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, cho biết dịch bệnh dùng phát cuối tháng 4 đến nay có những tác động sâu sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản. Tuy thị trường vẫn chưa ghi nhận tình trạng bán tháo, cắt lỗ một cách ồ ạt, nhưng nếu dịch Covid-19 kéo dài thêm vài tuần nữa, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc cân đối dòng tiền không tốt có thể phải bán cắt lỗ.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã, đang và sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Ở chiều cung, các công trình bất động sản sẽ bị trì hoãn do giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn lao động khó đảm bảo vì phải thực hiện khoảng cách an toàn. Các doanh nghiệp cũng buộc phải hoãn lại kế hoạch ra hàng. Ở chiều cầu, nhu cầu mua nhà vẫn lớn nhưng sẽ hạn chế do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch khó hoạt động như bình thường, dẫn tới đứt nối các hoạt động giao dịch. Thị trường bất động sản đang phải đối mặt với các tín hiệu xấu.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam ghi nhận thực tế trên thị trường và các trang rao bán bất động sản trực tuyến cho thấy, các thông tin bán "cắt lỗ" không chỉ xuất hiện ở một số phân khúc như căn hộ, condotel mà thậm chí cả đất nền. "Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến tài chính nên nhiều nhà đầu tư ở một số tỉnh thành đã buộc rao bán sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường", ông Đính nhấn mạnh.
Ông Đính cho biết, làn sóng bán cắt lỗ BĐS đã bắt đầu xuất hiện từ cuối quý 2: "Tại Hà Nội, sau biến động sốt đất mạnh và dịch bệnh kéo dài, nhìn chung thị trường quý 2-2021 yếu, ít giao dịch. Các chủ đầu tư vì vậy mà hạn chế chào bán để thăm dò thị trường, giá cũng không có hiện tượng điều chỉnh. Các dự án thuộc phân khúc cao cấp đã có động thái giảm giá thông qua nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà".
"Ở thị trường thứ cấp có hiện tượng giảm giá bán đến mức lỗ để thu hồi vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hiện tượng này phần lớn xuất hiện ở các dự án cao cấp. Sản phẩm căn hộ chủ yếu nằm ở các quận như Hoàng Mai, Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy...", ông Đính cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trọng Minh, nhân viên môi giới của một Sàn giao dịch bất động sản phía Tây Hà Nội cho biết thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều khách nhờ anh bán cắt lãi thu hồi vốn gốc, cắt lỗ căn hộ chung cư, thậm chí cả đất nền trong đó không ít sản phẩm nhà đầy tư vẫn đang trong thời gian trả góp.
"Căn hộ chung cư, đất nền thời điểm này chấp nhận cắt lỗ còn thanh khoản được, như phân khúc căn hộ du lịch (condotel) hầu như không có ai hỏi mua vì dịch covid-19 diễn biến phức tạp 1-2 năm tới chưa biết khi nào mới có thể phục hồi trở lại trong khi đó pháp lý cho loại hình này thì vẫn chưa rõ ràng", anh Minh cho biết.
Anh Đông - Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại quận Thanh Xuân cho biết khi làn sóng Covid-19 lần thứ 1,2 và 3 được kiểm soát, niềm tin về thị trường bất động sản ngay lập tức tăng tốc trở lại. Tuy nhiên giờ đây, niềm tin có phần bị lung lay bởi các diễn biến căng thẳng, khó đoán định của làn sóng dịch bệnh do biến chủng mới gây ra.
"Trước dịch bệnh căng thẳng chưa biết khi nào kết thúc rất nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính đang như ngồi trên đống lửa. Bởi họ vào thị trường ngay đúng đỉnh bằng bằng đòn bẩy ngân hàng, hy vọng lướt sóng nhanh kiếm lời rồi thoát ra. Tuy nhiên, hy vọng của họ nhanh chóng bị đợt dịch lần này vùi lấp, ở thời điểm này tuy nhiều nhà đầu tư đang rao cắt lãi hoặc lỗ ít nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục xấu đi nhiều nhà đầu tư sẽ phải chịu cắt lỗ sâu để thoát hàng".
"Trong khi dịch bệnh lan rộng thì thị trường bất động sản lại chuẩn bị bước vào tháng Ngâu, giai đoạn chững nhất trong năm. Trong bối cảnh tâm lý khách mua đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì nay lại gặp đúng thời điểm tháng 7 Âm Lịch - tháng kiêng mua bán nên lượng cầu trên thị trường sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản ở thế "một cổ hai tròng", nhà đầu tư nào muốn thoát hàng sớm sẽ phải hạ giá cắt lỗ sâu, các chủ đầu tư muốn đẩy hàng nhanh cũng phải tìm cách giảm giá sản phẩm", anh Đông cho biết.
Vậy thị trường sẽ giảm sâu đến mức nào? Theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia hiện tượng bán tháo, cắt lỗ dù đã manh nha những sẽ không xuất hiện tràn lan trên diện rộng giống cuộc khủng hoảng bất động sản cách đây 10 năm. Thị trường chỉ xảy ra hiện tượng giảm mạnh về mức giá thực ở những nơi giá đã bị đẩy lên quá giá cao trong đợt sốt nóng vừa qua. Bên cạnh đó, một bộ phận ít nhà đầu tư dùng vốn vay ngân hàng không thể "gồng lỗ" tiếp chấp nhận bán giá rẻ còn phần lớn nhà đầu tư vẫn tiếp tục găm hàng chờ thị trường phục hồi khi dịch bệnh kết thúc.
Lan Nhi
Theo Nhịp sống kinh tế