Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra theo kịch bản nào?
Tại buổi công bố Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 2/2021, các chuyên gia dự báo rằng BĐS sẽ “ấm” lên trong nửa cuối năm. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đồng thời khiến người dân có cái nhìn nghiêm túc hơn về căn hộ của mình. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp BĐS mới tiếp tục tăng, đội ngũ nhân viên dần quen hơn với các giải pháp công nghệ trong kinh doanh là những tín hiệu tích cực.
Đất nền hạ nhiệt trong quý 2/2021
Sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường BĐS tháng 4/2021 giảm gần 18% so với tháng 3/2021. Đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 21%.
Trong đó, các tỉnh/thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý 1/2021. Những điểm nóng BĐS ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4/2021.
Lượt quan tâm BĐS giảm mạnh tại các tỉnh/thành có ca nhiễm Covid lớn trong đợt 4 |
Chung cư vẫn “hot”
Tháng 5/2021, trong khi hầu hết các loại hình bất động sản khác đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm do ảnh hưởng của dịch bệnh, căn hộ chung cư là loại hình ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và TP.HCM, với mức tăng lần lượt là 12% và 8% so với tháng 4. Nhu cầu được chia đều cho các dòng sản phẩm ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân.
Ông Quốc Anh đánh giá đây là xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn “sốt nóng” của đất. Điều này được lý giải bởi trong “cơn sốt” quý 1, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm. Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bất động sản có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, chung cư trước nay vốn vẫn luôn là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm vì phục vụ phần lớn là nhu cầu thực. Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị “sốt” hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền.
Giá rao bán chung cư ở TP.HCM trong quý 2/2021 |
Giá rao bán chung cư ở Hà Nội trong quý 2/2021 |
Không dễ để sở hữu căn hộ tại thành phố lớn
Ông Quốc Anh chỉ ra tỷ lệ đô thị hóa hiện đạt khoảng 35%. Mỗi năm, Hà Nội và TP.HCM cần cung cấp khoảng 140,000 căn nhà để đáp ứng nhu cầu tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019. Do đó, việc tăng giá căn hộ ở khu vực thành phố lớn là xu hướng tất yếu. Điều này cũng khiến việc sở hữu một căn hộ ở thành thị của đa phần người dân trở nên khó khăn hơn trước.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, gần đây nhiều doanh nghiệp BĐS đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm, một số đã phát triển các dự án vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội thắng thế. Người dân cũng có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm BĐS phù hợp với túi tiền của mình hơn.
Thách thức đối với doanh nghiệp BĐS khi bán hàng qua kênh online
Tại buổi công bố báo cáo thị trường BĐS quý 2, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức mà doanh nghiệp BĐS gặp phải khi áp dụng kênh phân phối online.
Thứ nhất là việc đầu tư vào nền tảng công nghệ cần chi phí không nhỏ, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn nghiêm túc về công nghệ. Thứ hai, đa phần các nhân viên BĐS vẫn quen với cách làm truyền thông, chưa thành thạo với giải pháp công nghệ. Trong khi đó, một đặc thù của ngành BĐS là ngại phải chia sẻ thông tin khách hàng. Thêm vào đó là những rào cản về thủ tục pháp lý, cách thanh toán,…
Thực tế, việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản đã được áp dụng rất hiệu quả ở một số nơi trên thế giới, điển hình như Singapore. Các chuyên gia nhận thấy tất cả vướng mắc trên đều đang dần dần được tháo gỡ. Đối với những doanh nghiệp đã quen với cách kinh doanh qua kênh online thì đây sẽ là một lợi thế cơ hội.
Thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2021 sẽ “ấm” lên?
Thảo luận về kịch bản thị trường BĐS cuối năm 2021, các chuyên gia đều dự báo tình hình chung sẽ ấm lên. Dịch Covid-19 cũng khiến làm việc ở nhà (work from home) đang là một xu hướng và nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu áp dụng rộng rải hơn. Nhu cầu vừa ở vừa làm việc thường xuyên tăng lên đã dần tác động đến tâm lý sở hữu căn nhà của người dân.
Ở khía cạnh đầu tư, bà Hồng Phương - Giám đốc thương hiệu Bất động sản Tuấn123 cho biết rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn bây giờ là thời điểm xuống tiền.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định: “Trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàn phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.”
Ông Đỗ Quý Duy - Phó Giám đốc Ban kinh doanh Hải Phát Land cũng chung nhận định rằng thị trường BĐS sẽ khả quan hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường có thể còn khó khăn trong 1-2 tháng tới bởi tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt trong đó, loại hình BĐS nghỉ dưỡng/condotel vẫn chưa có dấu hiệu trở mình.
Duy Na